-
Tư vấn
- >
-
75 bí quyết chụp ảnh đẹp khi đi du lịch
Trước khi bạn “khăn gói” lên đường cho một chuyến du lịch mà những bức ảnh đẹp là một phần không thể thiếu của chuyến đi ấy, hãy luôn đọc lại 75 bí quyết này bởi đây là sự tổng kết của tất cả những lời khuyên cần thiết, từ đóng gói hành lý cho đến việc thiết lập máy ảnh tốt nhất cho điểm đến của bạn.
Các kinh nghiệm và bí quyết này được chắt lọc và tổng kết bởi nhiếp ảnh gia Tom Mackie, đăng trên web digitalcameraworld.com, Shop máy ảnh giới thiệu lại và lược dịch để bạn đọc tham khảo.
Thực tế, khi đi du lịch, thường bạn sẽ đi cùng với gia đình, hoặc đôi khi là đi với bạn bè, bạn sẽ cần sắp xếp thời gian để cân bằng giữa đam mê chụp ảnh và gia đình, làm sao cho chuyến đi vẫn vui vẻ, ý nghĩa cùng mọi người mà bạn vẫn có những bức ảnh độc đáo cho riêng mình.
Trong 75 bí quyết dưới đây, bạn sẽ được nhắc nhở thực hiện những công việc cần thiết nhất, trong đó có việc lập kế hoạch và chuẩn bị cho chuyến đi của bạn, những lời khuyên như mang ống kính nào theo, làm thế nào để chụp chân dung tốt hơn hay chụp ảnh cái gì khi trời mưa…
Đóng gói và chuẩn bị
Mẹo 1: Chỉ mang theo những gì bạn cần
Chỉ mang theo những đồ đạc phù hợp với địa điểm bạn sẽ đến, chẳng hạn sẽ rất vô nghĩa nếu bạn mang theo thuốc đuổi muỗi khi đến sa mạc. Với những hạn chế về trọng lượng khi đi máy bay, hãy chọn ra một số quần áo bạn sẽ mặc và sau đó loại ra một nửa trong số đó, bởi bạn sẽ vẫn sống mà không có chúng. Mang ít đồ đạc cá nhân còn tránh cho bạn khỏi bị quên đồ lúc vội vã.
Mẹo 2: Nghiên cứu điểm đến
Hãy tìm hiểu càng nhiều càng tốt về nơi bạn sẽ đến bằng cách đọc các cuốn sách hướng dẫn du lịch. Internet là vô giá, với nhiều trang web chuyên đưa ra thông tin chi tiết về ngay cả những địa điểm không nhiều người đi tới. Hãy đọc thông tin về điểm đến trên các diễn đàn, nhất là những kinh nghiệm cho người lần đầu tiên đến đó, chẳng hạn như cách làm thế nào để tiếp cận những địa điểm khó đi, nên đi bằng phương tiện gì, hoặc đi vào thời gian nào trong năm là tốt nhất…
Những thứ cần thiết phải mang theo
Mẹo 3: Đừng quên mang theo bộ sạc pin cho máy ảnh và điện thoại di động, cùng với bộ sạc adapter du lịch.
Mẹo 4: Một máy tính xách tay sẽ rất hữu ích cho việc sao lưu hình ảnh, giữ liên hệ với bạn bè/người thân qua Skype hoặc email, cũng như chỉnh sửa sơ qua hình ảnh.
Mẹo 5: Một ổ cứng di động cũng rất cần thiết để làm một bản sao dự phòng các hình ảnh chụp được, phòng khi máy tính xách tay bị mất cắp. Bạn biết đấy, đôi khi mất máy tính không tiếc bằng mất những hình ảnh bạn đã lưu trong đó.
Mẹo 6: Một chiếc áo jacket (hiệu Gortex chẳng hạn) nhiều túi sẽ đặc biệt hữu ích ngay cả trong mùa hè. Nó có vô số túi để đựng các thứ cần thiết như một chiếc đèn pin, quần chống thấm nước, hay bộ dụng cụ đa năng Gerber (gồm những lưỡi dao được chế tạo đặc biệt để dùng trong các trường hợp khẩn cấp, có thể tìm mua qua các trang rao vặt/người bán hàng xách tay).
Mẹo 7: Một la bàn Flight Logistics sunrise/sunset calculator sẽ luôn cho bạn biết khi nào mặt trời mọc hay lặn, dù ở đâu và vào bất kỳ thời gian nào trong năm. Thiết bị này chưa thấy ai rao bán ở Việt Nam, nếu muốn bạn có thể nhờ bạn bè ở nước ngoài mua giúp hoặc tìm hiểu tại đây. Thiết bị này chắc chắn hữu dụng khi bạn muốn chụp ảnh bình minh/hoàng hôn, hoặc tính toán vị trí của mặt trời vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày để từ đó tính toán về lượng/hướng ánh sáng chiếu lên chủ thể của bạn, thậm chí là ước lượng được bạn nên quay lại địa điểm đó khi nào để có ánh sáng phù hợp.
Để luôn có điều kiện chụp tốt
Mẹo 8: Tránh thời điểm đông người
Trong khi hầu hết các du khách vẫn còn đang ngủ, bạn sẽ có một buổi sáng thú vị nếu dậy sớm và khởi hành. Và vì hầu hết mọi người vẫn còn ở trên giường, bạn sẽ không bị những người qua lại làm hỏng bức ảnh của bạn. Cho dù bạn chụp bờ biển, làng quê, các thị trấn hay thành phố thì vào thời điểm sáng sớm này bạn luôn có những trải nghiệm thú vị hơn.
Thời điểm từ xế chiều cho đến sau khi mặt trời lặn dưới đường chân trời cũng luôn là một thời điểm lý tưởng để chụp ảnh. Trong “giờ ma thuật” hay còn gọi là “giờ vàng”, khi mặt trời chỉ hơi nằm phía trên đường chân trời một chút, thường là vào buổi bình minh hoặc hoàng hôn, thì cảnh vật luôn được chiếu sáng với một ánh sáng vàng ấm áp tuyệt vời.
Mẹo 9: Đặt phòng khách sạn có view đẹp
Nếu bỏ ra thêm một chút tiền để có được view đẹp từ cửa sổ phòng khách sạn, bạn sẽ không phải hối tiếc, bởi thay vì mất công đi xa và tìm nơi đặt máy, bạn có thể chụp được những bức ảnh rất đẹp ngay từ cửa sổ phòng nghỉ.
Để làm được điều này, bạn cũng cần nghiên cứu kỹ vị trí nơi bạn đến để biết được nơi nào sẽ cho bạn tầm nhìn đẹp như mong muốn. Tác giả bài viết này thường truy cập website tripadvisor.com để xem các đánh giá về các khách sạn, trong đó có những bình luận cho biết những phòng nào có view đẹp nhất. Bạn cũng có thể tìm kiếm những thông tin tương tự tại các diễn đàn nhiếp ảnh Việt Nam nếu điểm đến của bạn nằm ngay trong nước.
Mẹo 10: Mang theo bộ thiết bị “chuẩn”
Không có gì tệ hơn là khi bạn phát hiện ra rằng bạn cần một ống kính mà lại trót để nó ở nhà. Hãy nhớ mang theo bộ đồ nghề thiết yếu cho các điểm bạn sẽ đến.
Chuẩn bị một túi nhỏ với một bộ kit cơ bản bao gồm: thân máy ảnh; chân máy tốt và trọng lượng nhẹ, một ống zoom góc rộng 10-24mm hoặc 16-35mm, một ống zoom tầm trung khoảng 24-70mm, một ống zoom tele khoảng 70-200mm, một dây bấm mềm (cable release), một kính lọc phân cực, và có thể một vài bộ lọc ND.
Nếu còn đủ chỗ trống, hãy mang theo một ống nối 1.4x tele-extender và một ống kính macro. Khi di chuyển bằng máy bay, luôn mang theo bộ thiết bị của bạn dưới dạng hành lý xách tay, nếu bị quá cân, hãy nhét một số ống kính trong túi áo khoác của bạn, bởi các hãng hàng không chưa thực hiện cân người!
Cách dễ dàng để tìm một điểm đến thú vị
Mẹo 11: Sử dụng một dịch vụ bản đồ để khảo sát, tìm kiếm các thông tin chi tiết về địa lý. Tác giả bài viết này thường sử dụng dịch vụ Ordnance Survey map do ông thường đi du lịch nhiều địa danh quốc tế.
Mẹo 12: Internet – bạn sẽ tìm thấy tất cả mọi thứ bạn muốn biết về một điểm đến, thậm chí cả những điều mà bạn không muốn biết!
Mẹo 13: Bưu thiếp địa phương có thể là hướng đạo viên chỉ cho bạn những địa điểm ít được biết đến, cũng như các địa điểm du lịch mang tính biểu tượng.
Mẹo 14: Văn phòng thông tin du lịch thường sử dụng người dân địa phương, những người có kiến thức nội bộ về khu vực bạn định đến, bạn có thể tham khảo từ họ.
Mẹo 15: Google Earth rất tuyệt vời để tìm hiểu cách thức để đến được các địa điểm và khám phá các góc chụp có thể chụp ảnh được.
Làm thế nào để đặt các chuyến đi nước ngoài giá rẻ
Mẹo 16: Trang web Cheapflights cung cấp thông tin khá đầy đủ về các chuyến bay giá rẻ cũng như những điểm đến giá rẻ, với khá nhiều các thông tin giảm giá/khuyến mại.
Mẹo 17: Trao đổi nhà là một cách tốt để ở một nơi nào đó với giá rẻ – nếu bạn có một ngôi nhà ở một điểm có nhiều người đến, hãy dùng nó để trao đổi với những người khác. Bạn cũng có thể tham gia những hội nhóm của những người thường xuyên đi du lịch để tìm sự giúp đỡ khi cần, nhất là cơ hội được ở nhờ miễn phí hoặc giá rất rẻ.
Mẹo 18: Nếu bạn có thể đi vào phút chót và không quan tâm nhiều tới nơi bạn muốn đến, hãy làm quen với các đại lý du lịch, họ sẽ luôn có những suất đi bị trống bởi khách hủy vào giờ chót, và thế là bạn được lên được với chi phí tiết kiệm nhất có thể.
Mẹo 19: Dịch vụ của Teletext luôn cung cấp những thông tin về các kỳ nghỉ khuyến mại vào các ngày lễ ở nước ngoài.
Mẹo 20: Những chỗ ở tự phục vụ sẽ rẻ hơn nhiều so với các khách sạn.
Cách để đi du lịch “nhẹ nhàng”
Mẹo 21: Xếp quần áo lên nhau và cuộn tròn chúng lại sẽ giúp tiết kiệm chỗ trống trong vali tốt hơn và ít bị nhăn hơn.
Mẹo 22: Đừng bao giờ mang theo công việc khác để làm!
Mẹo 23: Trên những chuyến đi dài, mua đồ tại nơi đến sẽ tốt hơn là mang từ nhà đi.
Mẹo 24: Các vali có thành cứng sẽ nặng và “ăn” vào phần hành lý được phép mang theo của bạn, do đó hãy cố gắng sử dụng túi vải bền, hoặc túi du lịch bằng nylon.
Mẹo 25: Nhưng đừng mang theo quá ít hành lý, vừa phí vừa có thể khiến bạn trở thành một nghi can khủng bố!
Những thứ để dùng khi trời nóng
Mẹo 26: Kem chống nắng! Đừng coi thường thứ này, nó đảm bảo cho da bạn không bị cháy nắng và hấp thụ các tia có hại.
Mẹo 27: Những đôi dép sandals sẽ giữ cho đôi chân của bạn mát mẻ và thoải mái, tất nhiên là không thể mát nếu bạn đi kèm với bít tất.
Mẹo 28: Mặc quần áo rộng rãi, nhẹ. Màu trắng sẽ phản xạ với nhiệt, trong khi màu tối sẽ hấp thụ nhiệt.
Mẹo 29: Chớ mặc quần jean mà hãy mặc quần short, nhưng cũng lưu ý mặc quần dài nếu nơi bạn đến có nhiều cây cối rậm rạp.
Mẹo 30: Một chiếc mũ rộng vành sẽ giữ cho bạn mát mẻ, tránh ánh mặt trời chiếu vào đầu và mặt bạn. Cũng có thể tìm cách ăn mặc giống như người dân địa phương để tạo sự thân thiện hoặc ít bị chú ý.
Thiết lập sẵn máy ảnh
Mẹo 31: Sử dụng chế độ ưu tiên khẩu độ
Khi chụp ảnh phong cảnh, bạn muốn đạt được độ sâu trường ảnh tối đa để hình ảnh sắc nét từ tiền cảnh đến hậu cảnh, do đó tốt nhất bạn nên thiết lập máy ảnh sẵn sàng ở chế độ ưu tiên khẩu độ (Av). Bạn có thể chọn một mức khẩu độ mong muốn và để máy tự thiết lập tốc độ màn trập.
Lưu ý, nếu bạn không thể sử dụng chân máy và muốn sử dụng một khẩu độ hẹp, tốc độ màn trập có thể quá chậm để giữ máy bằng tay, trong khi nhiều điểm du lịch không cho phép sử dụng tripod, bạn hãy thử tìm nơi để đặt máy ổn định, như một bờ tường hay kệ đá…
Ngược lại, nếu bạn muốn chụp một bức chân dung của một trong những người dân địa phương trong chuyến du lịch, cô lập đối tượng của bạn bằng cách sử dụng một khẩu độ lớn, như f/5.6, chọn kiểu lấy nét theo điểm (selective focus) để làm mờ hậu cảnh xung quanh.
Mẹo 32: Chọn cài đặt chụp định dạng RAW
Tại sao lại chụp RAW? Bởi vì nếu không chọn định dạng này thì cũng giống như bạn lái một chiếc xe Ferrari nhưng chỉ cài số đầu tiên, bạn không tận dụng được hết các tính năng của chiếc xe, trong trường hợp này là các tập tin hình ảnh. Ảnh RAW giống như một film âm bản có chứa nhiều dữ liệu hơn, trong khi ảnh JPEG chỉ dùng để in.
Để chụp ảnh đẹp hơn
Mẹo 33: Không có gì tệ hơn là chụp những bức ảnh mà tư thế tạo dáng gượng gạo. Hãy chụp khi chủ thể của bạn không biết rằng bạn đang chụp họ sẽ cho kết quả tốt hơn.
Mẹo 34: Sử dụng một ống kính tele để chụp chân dung tự nhiên của người dân địa phương và để làm mờ hậu cảnh.
Mẹo 35: Sử dụng đèn flash bù sáng (fill-flash) khi chụp dưới trời nắng và nhiều ánh sáng để điền đầy các vùng đổ bóng.
Mẹo 36: Hãy tìm cách tiếp cận gần hơn đối tượng để có thể nhận ra họ trong ảnh, một sai lầm phổ biến là người được chụp quá nhỏ trong khung hình.
Mẹo 37: Thể hiện vẻ đẹp của nơi đến bằng cách để chủ thể có một hành động gì đó trong cảnh, chẳng hạn như đi bộ dọc theo bãi biển.
Mẹo 38: Biết rõ các chế độ đo sáng
Hiểu rõ sự khác biệt giữa các chế độ đo sáng sẽ giúp cải thiện các bức ảnh du lịch của bạn. Chế độ tốt nhất cho hầu hết các tình huống chụp là Evaluative metering (đo sáng toàn khung hình). Chế độ này sẽ thực hiện đo sáng bằng cách lấy trung bình các kết quả đo lấy được từ tất cả bốn góc và trung tâm của kính ngắm.
Đo sáng một phần (Partial metering) sẽ đọc khoảng 14% thông tin ở trung tâm của kính ngắm, điều này rất hữu ích khi thực hiện một bức chân dung của một người mà được chiếu sáng từ phía sau. Đo sáng điểm (Spot metering) có diện tích đo khoảng 3% và rất hữu ích để đo các đối tượng nhỏ hơn trong khung hình, nếu không các đối tượng này sẽ bị dư sáng. Cuối cùng, đo sáng trung tâm (Center-weighted metering) sẽ tập trung vào 60-80% của phần trung tâm kính ngắm.
Mẹo 39: Chọn cân bằng trắng đúng
Các cài đặt cân bằng trắng sẽ điều chỉnh nhiệt độ màu cho bất kỳ tình huống chiếu sáng nào để cho phép lấy màu một cách chính xác các yếu tố được cho là sẽ có màu trắng thay vì màu xám hoặc màu sắc khác.
Hãy nhớ rằng, nếu bạn chụp ở định dạng RAW, hình ảnh hiển thị trên màn hình chỉ để xem được thôi và bạn có thể thay đổi về sau; tuy nhiên, nếu bạn chụp JPEG, các thiết lập cân bằng trắng sẽ có hiệu lực với các file ảnh ngay tại thời điểm chụp. Thiết lập cân bằng trắng Cloudy sẽ rất tốt vì có tác dụng làm cảnh vật ấm lên một chút.
Mẹo 40: Đọc biểu đồ histogram
Khi xem lại hình ảnh trên màn hình LCD, nhấn nút Info để xem biểu đồ histogram của ảnh. Xem thêm về cách đọc và sử dụng histogram ở đây
.
Mẹo 41: Cách tốt nhất để sử dụng các kính lọc
Nếu bạn chỉ có một lựa chọn sử dụng kính lọc, nên chọn kính lọc circular polariser (kính lọc phân cực hình tròn). Nó rất hữu ích bởi vì nó không chỉ làm giảm các phản xạ không mong muốn và ánh sáng chói từ các bề mặt như thủy tinh hoặc nước, mà còn giúp tăng độ bão hòa màu khi chụp bầu trời xanh.
Để có được độ phân cực tối đa, hãy đặt chủ thể của bạn ở góc 90 độ so với ánh nắng mặt trời. Bạn cũng có thể thử sử dụng các bộ lọc ND bởi chúng rất tuyệt vời khi kiểm soát tương phản, tăng kịch tính cho hình ảnh bầu trời, bằng cách cân bằng độ phơi sáng của bầu trời cho phù hợp với tiền cảnh.
Những điều nên tránh
Mẹo 42: Đừng quên mua bảo hiểm du lịch và đảm bảo bạn được bảo hiểm (một số chính sách bảo hiểm không được tính ở các quốc gia có nguy cơ cao), ví dụ như khi chuyến bay bị hủy vì trời nhiều mây!
Mẹo 43: Tránh mất thẻ nhớ bằng cách sắp xếp chúng một cách có tổ chức trong một ví đựng thẻ, chớ để lung tung.
Mẹo 44: Luôn xách máy ảnh dưới dạng hành lý xách tay khi đi máy bay, vừa tránh hỏng hóc vừa tránh bị mất cắp.
Mẹo 45: Không làm rơi máy ảnh của bạn xuống biển! Nên mua một bộ bảo vệ máy ảnh Aquapac để phòng khi bị rơi xuống nước, và cũng để dùng khi muốn chụp ảnh dưới nước.
Mẹo 46: Nếu chụp trên bờ biển lộng gió, luôn phải làm sạch ống kính vì muối sẽ nhanh chóng làm mờ ống kính.
Những lý do để tách ra khỏi gia đình mà đi chụp ảnh
Mẹo 47: “Anh muốn chụp một số ảnh làm thiệp Giáng sinh”
Mẹo 48: “Anh nghĩ chỗ chụp hơi xa, đến đó khá vất vả với em đấy”.
Mẹo 49: “Em cần có thời gian chơi với bọn trẻ mà”.
Mẹo 50: Đi ra ngoài trước khi mọi người ngủ dậy. Khi đó, ánh sáng vừa tốt mà bạn thì sẽ có thể trở về ngay cả trước khi họ biết bạn đi.
Mẹo 51: Đưa tiền cho người thân của bạn để họ đi mua sắm trong ngày, trong lúc đó thì bạn có thể thoải mái đi chụp ảnh.
Kinh nghiệm chụp ảnh đẹp
Mẹo 52: Hãy sáng tạo khi chụp ảnh
Một sai lầm phổ biến là đặt chủ thể ở trung tâm của khung hình. Hãy thử đặt nó theo quy tắc 1/3 để cho cảm xúc tốt hơn. Hoặc bạn cũng có thể kết hợp quy tắc 1/3 với khung hình để giúp ảnh chụp thú vị hơn, chú ý tới các “khung” tự nhiên, các đường thẳng,… để tạo điểm nhấn thu hút mắt nhìn cho chủ đề của bạn.
Mẹo 53: Hãy tìm kiếm những người mẫu tự nguyện
Lợi thế lớn của chụp ảnh tại các địa điểm lạ là cơ hội để nắm bắt những góc nhìn độc đáo.
Hãy tập trung vào các vùng cụ thể, chẳng hạn như những cồn cát hoặc những dãy nhà trọ đầy màu sắc để điền vào khung hình của bạn.
Mẹo 54: Săn tìm đối tượng thú vị để chụp
Ảnh của bạn cũng là những kỷ niệm của chuyến du lịch của bạn, do đó hãy chụp mọi thứ mà bạn thấy thích. Hãy tìm những đối tượng “sống” hấp dẫn, có thể là con người, động vật hoang dã, thực vật. Đối với các đối tượng này hãy thử sử dụng một tiêu cự dài (khoảng 200mm) và khẩu độ rộng (chẳng hạn như f/4) để tách họ ra khỏi môi trường xung quanh.
Ngoài ra, hãy tìm kiếm những thứ thể hiện được bản sắc, văn hóa của nơi bạn đến, ví dụ như trái cây địa phương hoặc các loại gia vị, những chiếc mũ đầy màu sắc hoặc chiếc chăn làm bằng tay, vỏ sò hoặc những thứ tự nhiên khác mà có thể làm cho bức ảnh trở nên nổi bật.
Mẹo 55: Chụp ngược sáng
Bạn đã biết rằng chụp ảnh với mặt trời ở sau lưng bạn sẽ mang lại những bức ảnh có phơi sáng tốt, nhưng điều này cũng sẽ dẫn đến những hình ảnh nhàm chán! Hãy chụp hướng vào mặt trời với một ống kính góc rộng và dừng lại ít nhất là f/16 để tạo ra một hiệu ứng ánh sáng tự nhiên và ấn tượng. Hãy thử đặt mặt trời đang hé ra từ sau một cái cây hoặc giữa các lùm cây, chẳng hạn.
Các đối tượng tốt nhất để chụp khi trời mưa
Mẹo 56: Thác nước! Không chỉ bởi vì nó có nhiều nước, mà còn vì khi trời u ám thì bạn sẽ có sự mềm mại và cả ánh sáng cho một hình ảnh có độ tương phản thấp.
Mẹo 57: Các khu rừng trở nên sống động với màu sắc đẹp trong điều kiện thời tiết u ám, khi ánh sáng mặt trời trực tiếp có xu hướng tương phản cao.
Mẹo 58: Chụp các trần cao, nội thất của nhà thờ, bảo tàng hoặc thậm chí trung tâm mua sắm sẽ rất tốt khi thực hiện vào một ngày mưa.
Mẹo 59: Các khu vườn trông sẽ rất đẹp dưới ánh sáng u ám và mưa sẽ làm cho tán lá lấp lánh và trở nên sống động.
Mẹo 60: Chụp cận cảnh thiên nhiên luôn rất đẹp trong các điều kiện thời tiết, nhưng đặc biệt đẹp trong điều kiện ẩm ướt khi sẽ có những sinh vật bò ra, cộng với ánh sáng vừa phải của thời tiết sẽ giúp mang lại những chi tiết đẹp.
Mẹo 61: Sử dụng các bộ lọc ND để phơi sáng lâu
Neutral Density (ND) là bộ lọc rất thú vị để sử dụng cho các hiệu ứng khác nhau. Chúng có các mật độ khác nhau để làm giảm lượng ánh sáng đi vào ống kính, giảm tốc độ màn trập chậm cho các hiệu ứng thú vị.
Tại các địa điểm du lịch nổi tiếng, hãy thử sử dụng một bộ lọc ND kết hợp với một chế độ phơi sáng lâu để làm mờ hoặc biến mất những người đang di chuyển! Bất cứ thứ gì mà di chuyển trong quá trình phơi sáng sẽ biến mất. Sử dụng một bộ lọc ND khi chụp cảnh ven biển và phơi sáng lâu sẽ làm mờ nước để tạo ra một hiệu ứng sương mù.
Một số chỉ dẫn nhanh khác
Mẹo 62: Một chân máy gọn nhẹ và khỏe sẽ cải thiện và mở rộng những bức ảnh du lịch của bạn.
Mẹo 63: Luôn luôn mang theo máy ảnh khi ra ngoài, bởi bạn không bao giờ biết khi nào sẽ có một cơ hội chụp ảnh tốt để chộp lấy.
Mẹo 64: Thay đổi góc chụp của bạn. Đừng chụp mọi bức ảnh từ độ cao ngang tầm mắt, hãy thử di chuyển máy ảnh cao hơn hoặc thấp hơn. Một tầm nhìn giống như tầm nhìn từ mắt loài chim có thể làm mới bức ảnh của bạn.
Mẹo 65: Một người được sắp đặt vào đúng vị trí có thể mang lại kết quả tốt hơn cho ảnh, chẳng hạn như một người đứng bên thác nước sẽ cho người xem biết được độ cao, sự hùng vĩ của nó.
Mẹo 66: Chụp rời từng chi tiết cũng có thể nói nhiều về một địa điểm như là khi chụp một bức ảnh lớn.
Mẹo 67: Thực hiện một ảnh toàn cảnh đẹp như tranh vẽ
Khi bạn gặp một thắng cảnh hùng vĩ, thay vì sử dụng một ống kính góc rộng sẽ khiến mọi thứ trong ảnh đều nhỏ xíu, hãy thử chụp một số hình ảnh rời và “khâu” chúng lại với nhau trong Photoshop hoặc bằng chế độ chụp Panorama mà máy ảnh hỗ trợ.
Điều này sẽ thực hiện tốt nhất nếu bạn đang sử dụng một chân máy và cho phép ít nhất mỗi lớp ba ảnh giống nhau để có đủ thông tin khi gắn các hình ảnh với nhau. Độ dài tiêu cự nên từ 50mm hoặc hơn. Sử dụng chế độ lấy nét bằng tay và chế độ chỉnh tay (M) để lựa chọn mức phơi sáng phù hợp.
Mẹo 68: Chụp các thành phố vào ban đêm
Thành phố trở nên sống động với ánh sáng và màu sắc vào ban đêm, và các chi tiết mất tập trung như cần cẩu, dây điện và các tòa nhà xấu xí tan chảy ở hậu cảnh. Tất cả các điểm đến sẽ có cái gì đó trông tuyệt vời vào ban đêm, nên hãy tận dụng chúng.
Đối tượng chụp tốt bao gồm các đài phun nước được chiếu sáng, các tác phẩm điêu khắc, các nhà thờ hoặc thánh đường, các chợ. Sử dụng vòi phun nước hoặc tượng để làm tiền cảnh với chủ đề chính nằm ở hậu cảnh. Hoặc bạn có thể để các kiến trúc cũ và mới nằm cạnh nhau để tạo một sự tương phản hoặc so sánh trong bức ảnh.
Mẹo 69: Sử dụng chế độ HDR
HDR (High Dynamic Range) là kỹ thuật hoàn hảo khi bạn có một cảnh có độ tương phản cao. Với máy ảnh đặt trên chân máy, hãy chụp vài ảnh có phơi sáng khác nhau để máy ảnh tự chọn mức phơi sáng tốt nhất, hoặc sử dụng nhưng chương trình như Photomatix Pro.
Mẹo 70: Chụp đổ bóng lúc hoàng hôn
Chụp hoàng hôn rực rỡ là một chủ đề yêu thích của những người yêu nhiếp ảnh, nhưng không nhiều người có được ảnh hoàng hôn đẹp độc đáo. Hãy cải thiện bằng cách chụp đổ bóng (silhouettes) một chủ đề đặc biệt nào đó trong cảnh.
Làm thế nào để chụp thiên nhiên trong kỳ nghỉ của bạn
Mẹo 71: Sử dụng một khẩu độ rộng để làm mờ hậu cảnh.
Mẹo 72: Sử dụng một ống zoom tele và ống nối extender-tele để đưa chủ thể lại gần. Ống kính zoom cũng cho phép sáng tác nhanh khi động vật đang di chuyển.
Mẹo 73: Chụp ảnh với nền “sạch sẽ”, như chụp chim bay. Nghiên cứu cách thức bay của một loài chim và chờ đợi cho đến khi nó bay vào một vùng mong muốn.
Mẹo 74: Để đóng băng chuyển động của một con vật, tăng ISO để đạt được một tốc độ màn trập nhanh hơn.
Mẹo 75: Sử dụng cả hai mắt để chụp, một để nhìn qua kính ngắm, một để quan sát các loài động vật do đó bạn có thể dự đoán các hành động của chúng.
Theo VnReview